logo Lạc Việt Audio

Cách đấu tăng – giảm trở kháng loa sân khấu và một số lưu ý

Trong lĩnh vực âm thanh hội trường sân khấu, việc điều chỉnh trở kháng loa là một yếu tố quan trọng giúp tối ưu hóa hiệu suất và chất lượng âm thanh. Trở kháng loa không chỉ ảnh hưởng đến khả năng kết nối mà còn ảnh hưởng tới an toàn và độ bền biết bị, vì vậy việc tăng hay giảm trở kháng loa khi kết nối vô cùng quan trọng, tránh được những rủi ro không mong muốn. Vậy làm thế làm để tăng, giảm trở kháng loa sân khấu cũng như một số lưu ý quan trọng khi thực hiện, hãy cùng Lạc Việt Audio tìm hiểu chi tiết dưới đây. 

Cách đấu tăng giảm trở kháng loa sân khấu 

Trong một số trường hợp khi kết nối hệ thống âm thanh, việc trở kháng (Ohm) giữa loa và bộ khuếch đại không phù hợp có thể gây ra nhiều vấn đề, chẳng hạn như loa có trở kháng 16 Ohm trong khi bộ khuếch đại chỉ cung cấp nguồn ra trở kháng 8 Ohm. Để đảm bảo hiệu suất tối ưu và bảo vệ thiết bị, chúng ta cần điều chỉnh trở kháng của loa cho phù hợp với bộ khuếch đại.

Cụ thể, để giảm trở kháng của loa từ 16 Ohm xuống 8 Ohm và ngược lại, chúng ta có thể sử dụng các phương pháp kết nối loa theo các cách sau:

  • Để giảm trở kháng loa, chúng ta cần kết nối loa theo phương pháp song song, tổng trở kháng của hệ thống sẽ giảm xuống, giúp phù hợp hơn với yêu cầu của bộ khuếch đại.
  • Để tăng trở kháng loa, chúng ta kết nối loa theo phương pháp nối tiếp, khi đó sẽ tăng tổng trở kháng của hệ thống, giúp bảo vệ bộ khuếch đại khỏi những tác động quá tải.

Cách đấu giảm trở kháng loa – Đấu song song

Khi bạn đấu song song các loa, tổng trở kháng của hệ thống sẽ giảm, giúp phù hợp hơn với bộ khuếch đại có trở kháng thấp hơn. Công thức tính tổng trở kháng khi đấu song song các loa như sau:

1/R(Tổng)= 1/R1+ 1/R2 + 1/R3….+ 1/Rn

Ví dụ khi có hai loa 8 Ohm đấu song song, tổng trở kháng sẽ được tính như sau:

1/R(Tổng)= 1/8 + 1/8 = 2/8 =1/4 = 4Ohm

Khi có ba loa 8 Ohm đấu song song, tổng trở kháng sẽ được tính như sau:

1/R(Tổng)= 1/8 + 1/8 + 1/8 = 3/8 ~ = 2,67Ohm​

Việc đấu song song giúp giảm trở kháng tổng của hệ thống loa, nhưng bạn cần lưu ý kết nối đúng cách để đảm bảo an toàn và hiệu suất tối ưu cho hệ thống âm thanh của mình.

Cách đấu tăng trở kháng loa – Đấu nối tiếp

Khi bạn đấu nối tiếp các loa, tổng trở kháng của hệ thống sẽ tăng, giúp phù hợp với bộ khuếch đại có trở kháng cao hơn. Công thức tính tổng trở kháng khi đấu nối tiếp các loa như sau:

R(Tổng)= R1+ R2 + R3….+ Rn

Ví dụ khi có hai loa 8 Ohm đấu nối tiếp, tổng trở kháng sẽ được tính như sau:

R(Tổng)= 8 + 8 = 16Ohm​

Khi có ba loa 8 Ohm đấu nối tiếp, tổng trở kháng sẽ được tính như sau:

R(Tổng)= 8 + 8 + 8 = 24Ohm​

Việc đấu nối tiếp giúp tăng trở kháng tổng của hệ thống loa, nhưng bạn cần lưu ý kết nối đúng cách để đảm bảo an toàn và hiệu suất tối ưu cho hệ thống âm thanh của mình.

Một số lưu ý với bộ khuếch đại khi đấu giảm trở kháng loa 

Khi bạn đấu giảm trở kháng thấp hơn so với trở kháng mà bộ khuếch đại được thiết kế để chịu đựng, nó có thể gây hại cho bộ khuếch đại. Dưới đây là những lý do chi tiết:

Tăng dòng điện qua bộ khuếch đại

Theo định luật Ohm, dòng điện (I) qua một mạch được tính bằng cách chia điện áp (V) cho trở kháng (R):

I= V/R

Vì vậy, khi giảm trở kháng, dòng điện qua mạch sẽ tăng.

Ví dụ, nếu điện áp không đổi mà bạn giảm trở kháng từ 8 Ohm xuống 4 Ohm, dòng điện sẽ tăng gấp đôi.

I=220/8=27.5v sẽ trở thành I= 220/4=55v

Quá tải nhiệt

Khi dòng điện tăng lên, bộ khuếch đại sẽ tỏa ra nhiều nhiệt hơn do điện trở nội tại của các thành phần điện tử. Nhiệt lượng tăng cao này có thể gây hỏng hóc cho các linh kiện bên trong bộ khuếch đại, đặc biệt là các transistor công suất. Nếu bộ khuếch đại không được thiết kế để xử lý nhiệt lượng tăng cao, hệ thống làm mát sẽ không đủ để giữ cho nhiệt độ bên trong ở mức an toàn, dẫn đến hư hỏng hoặc giảm tuổi thọ của thiết bị.

Giảm hiệu suất 

Bộ khuếch đại được thiết kế để hoạt động ở một mức trở kháng nhất định để tối ưu hóa hiệu suất. Khi hoạt động ở mức trở kháng quá thấp, hiệu suất chuyển đổi điện năng thành âm thanh sẽ giảm, dẫn đến hiệu suất kém và có thể gây méo tiếng.

Khi bộ khuếch đại phải hoạt động ở mức tải quá cao, không chỉ làm tăng nhiệt độ mà còn làm giảm hiệu suất tổng thể của hệ thống. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh mà còn làm giảm tuổi thọ của các linh kiện, dẫn đến việc phải bảo trì và thay thế thường xuyên hơn.

Hư hỏng linh kiện điện tử

Dòng điện cao hơn có thể gây quá dòng và quá áp trên các linh kiện điện tử bên trong bộ khuếch đại. Điều này có thể gây ra hiện tượng hư hỏng tức thì hoặc làm giảm tuổi thọ của các linh kiện. Một số bộ khuếch đại có cơ chế bảo vệ quá tải, nhưng không phải tất cả đều có. Nếu bộ khuếch đại không có cơ chế này, hư hỏng do quá tải là rất dễ xảy ra.

Lưu ý quan trọng:

  • Luôn kiểm tra thông số kỹ thuật của bộ khuếch đại và loa để đảm bảo rằng chúng tương thích với nhau, sử dụng trở kháng phù hợp đảm bảo rằng tổng trở kháng của hệ thống loa không thấp hơn mức trở kháng tối thiểu mà bộ khuếch đại có thể xử lý an toàn.
  • Theo dõi nhiệt độ và âm thanh: Nếu nhận thấy nhiệt độ tăng cao bất thường hoặc có hiện tượng méo tiếng, nên kiểm tra lại hệ thống để tránh hư hỏng.
  • Hiểu và kết nối chính xác các thông số về trở kháng của bộ khuếch đại và loa sẽ giúp hệ thống âm thanh hoạt động hiệu quả và bền bỉ.

Bằng cách tuân thủ những lưu ý này, bạn sẽ bảo vệ được thiết bị của mình và đảm bảo hệ thống âm thanh hoạt động ổn định và chất lượng.

Một số chức năng của bộ khuếch đại sân khấu mà bạn nên biết 

Bộ khuếch đại âm thanh sân khấu đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường và phân phối tín hiệu âm thanh đến các loa, đảm bảo chất lượng và độ rõ ràng của âm thanh trong các buổi biểu diễn. Dưới đây là một số chức năng quan trọng của bộ khuếch đại âm thanh sân khấu:

Chế độ Stereo

Chế độ Stereo trên bộ khuếch đại là chế độ hoạt động độc lập, mỗi kênh sẽ nhận một nguồn tín hiệu đầu vào riêng biệt.

  • Ưu điểm: Chế độ này cho phép kỹ thuật viên xử lý riêng từng kênh, có thể điều chỉnh về độ lớn, EQ, Delay, và các hiệu ứng khác, giúp tạo ra âm thanh chi tiết và sống động hơn.
  • Nhược điểm: Cần thiết bị cung cấp tín hiệu có nhiều đầu ra, tốn dây tín hiệu và phức tạp hơn trong việc thiết lập hệ thống.

Chế độ Parallel

Chức năng Parallel trên bộ khuếch đại âm thanh là một chế độ kết nối, trong đó các kênh đầu vào được kết nối song song với nhau. Điều này có nghĩa là tín hiệu từ một nguồn âm thanh được phân phối đồng thời đến tất cả các kênh Input của bộ khuếch đại.

  • Đồng nhất được tín hiệu âm thanh cho một hệ thống nhiều loa hoạt động cùng chức năng. Ví dụ: một bên L hoặc R có nhiều loa cần nhiều kênh công suất nhưng chỉ cần dùng cùng một nguồn tín hiệu âm thanh.
  • Tiết kiệm dây tín hiệu, giảm thiểu sự phức tạp trong việc kết nối và làm cho tủ rack gọn gàng hơn.
  • Tiết kiệm thiết bị khi không cần nhiều nguồn tín hiệu đầu vào khác nhau.

Chế độ Bridge

Chế độ “Bridge” (hay còn gọi là “Bridged Mode”) trên bộ khuếch đại âm thanh là một cách kết nối hai kênh của bộ khuếch đại để hoạt động như một kênh duy nhất với công suất đầu ra cao hơn. Chế độ này được sử dụng khi cần công suất cao cho một loa duy nhất mà một kênh đơn của bộ khuếch đại không đáp ứng được.

Công thức của chế độ Bridge:

P (bridge) = ~ 2xP (kênh)

Ví dụ: một Amp có thông số 2x1000W, khi chuyển sang chế độ Bridge sẽ có công suất tổng thể khi kết hợp 2 kênh thành 1 là ≈ 2000W, con số chính xác sẽ tùy vào hiệu suất chuyển đổi của từng hãng.

Cách hoạt động của chế độ Bridge:

  • Tạo ra một kênh mạnh duy nhất trong chế độ “Bridge”, hai kênh (thường là kênh trái và phải) của bộ khuếch đại được kết hợp để hoạt động như một kênh đơn có công suất gần gấp đôi so với mỗi kênh riêng lẻ.
  • Một trong hai kênh sẽ đảo ngược pha (phase) của tín hiệu đầu vào. Khi tín hiệu được khuếch đại, sự chênh lệch pha này làm tăng hiệu điện thế giữa hai đầu ra của kênh. Kết quả là hiệu điện thế trên loa là sự chênh lệch của hai tín hiệu đã khuếch đại, dẫn đến tăng công suất đầu ra.

Kết nối trong chế độ Bridge:

Thông thường, trong chế độ Bridge loa được kết nối giữa hai đầu ra của kênh trái và kênh phải, thay vì kết nối một loa cho mỗi kênh. Cực dương (dây đỏ) của loa sẽ được kết nối với đầu ra DƯƠNG của kênh thứ nhất (kênh trái), và cực âm (dây đen) của loa sẽ được kết nối với đầu ra DƯƠNG của kênh thứ hai (kênh phải). Tuy nhiên, cần lưu ý đọc thông số trên thiết bị để điều chỉnh theo cách kết nối của từng hãng.

Thay đổi độ nhạy tín hiệu đầu vào

Trên bộ khuếch đại cục đẩy âm thanh, phía sau gần với vị trí cắm tín hiệu Input thường có các nấc gạt với các trị số như 0.7V, 1.25V, 1.5V, 1.7V,… nhằm thay đổi độ lớn của tín hiệu đầu vào, tương tự như chức năng Gain trên bàn mixer.

Cách điều chỉnh:

  • Nếu tín hiệu đầu vào nhỏ, bạn có thể để ở vị trí 0.7V để có tín hiệu đầu vào lớn nhất.
  • Nếu tín hiệu quá lớn hoặc có hiện tượng vỡ tiếng, bạn có thể để ở vị trí 1.5V hoặc 1.7V.

Lưu ý: Để đảm bảo chất lượng tín hiệu và tránh hiện tượng Noise (sôi nhiễu), nên cân bằng tín hiệu giữa các thiết bị, không để chiết áp của Amp ở mức quá thấp (9h) trong khi đẩy âm lượng từ mixer lên quá cao (90%). Khuyến cáo nên để chiết áp của Amp ở mức 12h – 3h để hạn chế tối đa hiện tượng Noise và đạt độ lớn mong muốn.

Trên đây là một số thông tin về cách đấu tăng, giảm trở kháng loa sân khấu cũng như các chức năng của bộ khuếch đại khi kết nối. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hãy để lại bình luận bên dưới để được tư vấn chi tiết nhé.

duyshinota

Là người kinh doanh trong lĩnh vực âm thanh hơn 15 năm qua ,tôi hiện là giám đốc tại Lạc Việt Audio -nhà phân phối thiết bị âm thanh số 1 Việt Nam.Chúng tôi chuyên cung cấp và setup các sản phẩm thiết bị và hệ thống âm thanh chuyên nghiệp có chất lượng tốt nhất cùng mức giá cạnh tranh hàng đầu tại thị trường trong nước

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *